Bơm nước di động và hiệu quả
Đi một chặng đường dài 35km từ thị trấn Vàng huyện Thanh Sơn, tôi đặt chân đến xã Thu Ngạc. Con đường trải đá, tiếp đó là một con suối nhỏ gần như cạn nước đưa tôi đến thôn Liên Minh.
Ruộng lúa vừa mới thu hoạch, chỉ còn trơ ra những gốc rạ. Đất ruộng nứt nẻ, khô cằn. Sắp tới thời điểm cấy vụ mới, ruộng khô, suối khô như vậy thì sẽ cấy như thế nào đây?
Liên Minh là một thôn nghèo thuộc xã Thu Ngạc, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, đời sống chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Trong nhiều năm, khó khăn mà người dân gặp phải là những vấn đề về trồng trọt như giống cây, phân bón, nguồn vốn, và đặc biệt là nguồn nước.
bơm nước di động
Giai đoạn đánh giá nhu cầu của cộng đồng, những người dân nghèo nghe nói được làm dự án đều hồ hởi tới tham gia cuộc họp thôn.
Thôn có 63 hộ thì tới 60 hộ có mặt trong cuộc họp, cùng nhau bàn bạc, phát biểu ý kiến những khó khăn của cả thôn, từ đó 100% đi tới quyết định mua máy bơm nước để giải quyết tình trạng thiếu nước tưới đồng kéo dài trong suốt bao năm nay.
Mục tiêu mà dự án đề ra là tất cả các hộ trong thôn đều được bơm nước vào đồng, góp phần nâng cao năng suất lúa và tăng diện tích trồng màu. Ngày nhận máy bơm nước và chạy thử có sự chứng kiến của đại diện BQL xã, BQL dự án thôn, đại diện Trung tâm RDSC và một số người dân.
Tất cả mọi người đều tin rằng vụ lúa năm nay sẽ bớt vất vả và lo lắng hơn khi máy bơm nước có thể di chuyển tới từng khu đồng.
Tuy nhiên, khi đưa máy vào sử dụng thực tế mới có nhiều vấn đề phát sinh không lường trước được. Trước tiên là việc dây cuaroa liên tục đứt. Nước đang chuẩn bị đến được các hộ cuối ruộng thì dây đứt.
Thời gian đi mua dây thay thế cũng đủ để nước ngấm hết ở các ruộng được bơm, kết quả là các hộ cuối nguồn không hề được bơm nước.Việc vận chuyển lắp đặt làm máy bị lệch, dây cuaroa bị vặn, chỉ sau 30 phút là cháy. Thôn đã một lần khoan lại máy cho đúng tâm, nhưng kết quả vẫn lệch và dây vẫn đứt.
BGS chưa có sổ sách ghi lại các hoạt động từ khi có máy bơm vì họ cho rằng cũng chưa có nguồn thu gì lớn để phải giám sát cả. Mọi người mong đợi khi nào máy ổn định, họ có thể ghi chép lại rõ ràng.Vấn đề dây cuaroa đứt không phải là quá nghiêm trọng, mà điều đáng nói ở đây là sự phối hợp xử lý giữa BQL thôn và BQL dự án của Trung tâm.
BQL thôn tỏ ra chậm trễ trong việc thông báo tình hình máy hỏng hóc cho Trung tâm, trong khi một vụ lúa mới đang chuận bị đến gần. BQL dự án của Trung tâm cũng chưa thực sự sâu sát để có những xử lý kịp thời đối với những vấn đề phát sinh.
Vụ vừa qua mới mang tính chất thử nghiệm, thêm nữa năm nay thời tiết quá khô hạn nên máy bơm nước chưa phát huy được hết tác dụng. Bản thân 11 hộ đựơc bơm nước cũng không đạt được năng suất như mong muốn. Bên cạnh vấn đề khô hạn kéo dài tồn tại những lý do xuất phát từ chủ quan.
Đó là việc thủ tục tiền để mua máy chậm 1 tháng so với thời kỳ sinh trưởng của lúa. Khi máy đến thì ruộng đã nứt nẻ, nước chỉ có tác dụng tưới tiêu, đất không còn tác dụng giữ nước.
Các hộ đầu ruộng nếu không có người trông nom ruộng cũng bị người khác lấy trộm nước. Những hộ này chỉ đạt năng suất 100kg/sào. Các hộ giữ được nước đạt năng suất 150kg/sào. Thậm chí những hộ cuối ruộng chỉ thu được khoảng 50kg/sào. Quan sát thấy có nhiều cánh đồng mất trắng, trâu bò được thả vào ăn những cọng rơm rạ còn sót lại.
Khi tìm hiểu nhu cầu, 100% các hộ đều thống nhất rằng khó khăn hiện tại của họ là nước. Nhưng khi đưa máy bơm vào thực tế, họ mới phát hiện ra rằng nếu chỉ có máy bơm nước thì chưa thực sự giải quyết vấn đề. Nguyên nhân chính là do nguồn nước hạn chế, chất đất kém trong việc giữ nước. Có một hộ cuối nguồn đã phát biểu như thế này: “Ruộng nhà tôi vừa rồi không được tưới nước. Máy đến nơi thì lúa đã chết rồi. Nhưng nếu lúa chưa chết thì nước cũng không tới nơi đựơc.
Nếu nước được bơm vào ruộng thì ruộng cũng không giữ được nước do cát nhiều, nên đành chịu mất trắng vậy”.
Vậy, vấn đề đặt ra là: liệu máy bơm nước đã thực sự là giải pháp hiệu quả hay chưa? Chúng ta không thể phủ nhận tác dụng cứu lúa của máy trong năm nay, nhưng nếu như thời tiết vẫn tiếp tục khô hạn như năm nay thì mục tiêu tăng diện tích một vụ lên hai vụ từ 8,7ha lên 10,8ha, tăng năng suất toàn khu từ 100kg/sào lên 150-180kg/sào sẽ khó có thể thực hiện được.
Nếu đem so sánh với các khu ruộng có điều kiện đất đai tương tự xứ đồng này, trong năm nay các khu ruộng đó đạt năng suất 150kg/sào do họ được đầu tư mương từ chương trình của huyện.
Từ đây cho thấy muốn giải quyết thành công nhu cầu nước tưới của người dân Liên Minh, có lẽ việc xây đập ngăn nước sẽ hiệu quả hơn chăng? Thôn có đề xuất về việc làm mương xương cá đảm bảo cho việc dẫn nước đồng đều hơn cho các hộ gia đình. Các hộ ở cuối ruộng cũng sẽ có khả năng nhận được nước.
Người dân thống nhất sẽ tự xây mương, chỉ cần dự án hỗ trợ là có thể thực hiện được. Các cán bộ dự án có thể tìm hiểu quy mô hoạt động này xem có phù hợp với các điều kiện hỗ trợ của Trung tâm không, từ đó lập ra kế hoạch hỗ trợ cộng đồng.
Bên cạnh các trục trặc trong quá trình sử dụng máy, chúng ta cũng cần nhìn nhận về những thành công mà dự án đã đạt đựơc. Có thể nói, thành công lớn nhất là dự án thu hút được sự tham gia đông đảo và nhất trí cao của người dân.
Mức độ tham gia của người dân được thể hiện ở bốn cấp: biết, bàn, ra quyết định, quản lý. Trong dự án này, người dân được cán bộ dự án phổ biến về các bước đề ra nhu cầu của mình, tiếp đó, họ được phép lựa chọn phương án giải quyết nhu cầu (trên cơ sở một số điều kiện như: mức hỗ trợ có thể của dự án, điều kiện địa lý thôn…), và cử ra người đại diện cho mình quản lý và giám sát việc thực hiện dự án.
Một vụ lúa mới lại chuẩn bị bắt đầu. Máy bơm nước giờ đây đã được sửa chữa. Hy vọng rằng mùa gặt năm nay sẽ đem lại niềm vui cho người nông dân!